Chi phí nuôi con là một trong những vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng đau đầu. Ảnh minh họa: Thành Đông.
Chi phí nuôi con là một trong những vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng đau đầu. Ảnh minh họa: Thành Đông.
Thu nhập của chồng Huyền khoảng 17-18 triệu đồng/tháng. Bản thân Huyền ở nhà nội trợ kể từ khi mang thai vì sức khỏe kém.
Một trong các khoản khá tốn kém là chăm sóc sức khỏe cho bé Tú Uyên. Đây là món tiền đôi vợ chồng trẻ không thể giảm bớt.
Ví dụ, riêng tiêm phòng, cả hai quyết định tiêm dịch vụ cho con. “Ngoài ra, bé nhà tôi cũng hay có đờm ở cổ nên trung bình mỗi tuần cần đi hút đờm, rửa mũi 1 lần hết 70.000-100.000 đồng”, Huyền chia sẻ.
Bà mẹ trẻ Bích Thủy (Hà Nội) cũng phải đối mặt nhiều áp lực tài chính khi nuôi con, đau đầu nhất là viện phí khi con ốm.
Suốt 2 năm qua, Thủy không nhớ nổi số lần con phải vào viện thăm khám.
“Một năm trước, con bị rò lỗ nhĩ, phải can thiệp phẫu thuật với chi phí 40 triệu đồng - gấp 3 lần tổng thu nhập của vợ chồng tôi. May có ông bà nội ngoại hỗ trợ phần lớn chi phí để con được phẫu thuật”, Thủy kể.
Trước khi sinh, vợ chồng Thủy không có kỹ năng quản lý tài chính, tiền tiết kiệm không đáng kể. Việc con ốm, nằm viện đã bào mòn khoản tích lũy của gia đình.
Trong khi đó, vợ chồng Trần Thu (sinh năm 1995, Ninh Bình) có tổng thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng song tiền chăm con cũng ngốn khoảng 1/3 con số này.
“Tôi luôn lên kế hoạch cho mọi khoản chi, không mua sắm nếu cảm thấy không cần thiết. Dẫu vậy từ lúc làm mẹ, chi phí nuôi con vẫn làm tôi choáng ngợp”, cô chia sẻ.
Bà mẹ lựa chọn bỉm, sữa cẩn thận vì cho rằng các sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con, ngốn 5-7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng dễ tính, ăn uống sao cũng được nhưng con theo chuẩn phương pháp ăn dặm của Nhật Bản, tức phải tìm các nguyên liệu hữu cơ, gia vị dành riêng cho trẻ.
"Tôi muốn con có hệ tiêu hóa, miễn dịch được chăm sóc cẩn thận để tránh các bệnh vặt sau này", cô giải thích.
Các thiết bị hỗ trợ nuôi con cũng được Thu mạnh tay đầu tư. Mới đây, cô thay mới chiếc máy giặt gia đình để yên tâm giặt đồ cho con.
“Thiết bị chăm con, bảo hiểm sức khỏe, chương trình tiêm chủng… là các khoản cần chi nhiều tiền. Ngay lúc sinh con, tôi đã bỏ ra 80-90 triệu đồng để mua sắm các thiết bị và dịch vụ này”.
Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho việc sinh nở và nuôi con chưa được thống kê cụ thể.
Còn theo nghiên cứu mới nhất của viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hàn Quốc là nơi có chi phí nuôi con tốn kém nhất thế giới, khi số tiền nuôi dạy một đứa trẻ từ khi sơ sinh đến 18 tuổi cao gấp 7,79 lần mức thu nhập bình quân đầu người.
Cao thứ 2 là Trung Quốc, gấp 6,9 lần. Tại quốc gia tỷ dân, cần hơn 75.000 USD để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi và thêm 22.000 USD cho việc học đại học. Con số này cao gấp đôi các nước như Đức, Australia, Pháp với chi phí lần lượt gấp 3,64; 2,08 và 2,24 lần thu nhập bình quân đầu người, theo Korea Times.
Nguyễn Nhi (sinh năm 1996, Hà Nội) tự đánh giá bản thân là người có ý thức quản lý tài chính.
Trước khi sinh con, cặp vợ chồng đã tiết kiệm đủ 100 triệu đồng nhằm trang trải các khoản phí cho em bé suốt 6 tháng đầu tiên. Song trên thực tế, số tiền này chỉ đủ để chi trả tiền đi đẻ, gói tiêm phòng và những đồ dùng cần thiết.
Hàng tháng, vợ chồng Nhi ước tính bỏ ra khoảng 8-10 triệu đồng riêng tiền nuôi con. Ngoài tiền bảo hiểm sức khỏe và chi phí tiêm phòng đã được thanh toán từ khi con mới sinh, khoản chi lớn nhất là sữa. Riêng tiền sữa công thức cho bé đã chiếm khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.
Với Nhi, chi phí nuôi con chiếm khoảng 25% thu nhập của gia đình. Sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt, ăn uống… vợ chồng cô vẫn tiết kiệm được 15 triệu đồng mỗi tháng.
Để đạt được mục tiêu này, cả hai đã phải cắt giảm hoàn toàn các khoản chi cá nhân. Chẳng hạn trước đây, hai vợ chồng thường xuyên đi du lịch, có khi mỗi tháng một lần nhưng hiện tại chấp nhận gác lại sở thích để đảm bảo cho con một cuộc sống đầy đủ.
Bà mẹ trẻ cũng hạn chế chi tiêu, cân nhắc các khoản chi không cần thiết như quần áo, đồ chơi cho con…
“Từ ngày sinh con, tôi luôn ưu tiên việc tích lũy, tiết kiệm hàng tháng”, Nhi nêu quan điểm.
Trong khi đó, dù thừa nhận việc nuôi con tốn kém, Ngọc Huyền khẳng định khi đã xác định có con, những khoản nào cần thiết, đáng chi, vợ chồng cô sẽ không ngại bỏ tiền dù phải xoay xở để con có sự chăm sóc tốt nhất.
“Cũng may tôi có sữa nhiều, bé cũng chịu bú mẹ nên đỡ được một phần tiền này. Với nhiều món khác, nhiều lúc tôi cũng muốn giảm bớt lại nhưng thấy con thương quá nên cũng ráng”.
Còn với Trần Huyền Trang (sinh năm 1993, Hà Nội), cô vẫn luôn cảm thấy áp lực khi đứng trước bài toán tài chính gia đình.
Trước khi có con, Trang duy trì kế hoạch tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kể từ ngày có em bé, cô gần như không có các khoản tích lũy hàng tháng hoặc chỉ có một khoản không đáng kể.
“Lần đầu làm mẹ, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn đồ cho con. Trước sinh, tôi đã mua hơn 40 bộ quần áo cho em bé. Tuy nhiên, chưa kịp mặc hết 20 bộ thì con đã tăng cân và không thể mặc thêm được nữa”, Trang kể.
Bà mẹ trẻ nhận định nuôi con ở thành phố tốn kém, nếu chưa có kinh nghiệm rất dễ lạm chi. Hiện, chồng Trang là lao động chính trong nhà.
“Do nguồn thu nhập không ổn định nên chúng tôi chi tiêu theo mức độ ưu tiên. Những việc cần làm trước thì chi trước, còn lại sẽ tiết kiệm. Vì vậy, có những tháng dư ra, cũng có tháng không tiết kiệm được đồng nào”, Trang chia sẻ.
Do lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7 mà không bị cắt phụ cấp, nhà giáo nhận lương khoảng 6,6 đến gần 30 triệu đồng/tháng, tăng 1,5-7 triệu đồng so với trước.
Cụ thể, nhà giáo mầm non từ hạng III nhận trung bình gần 6,6-28,2 triệu đồng/tháng; từ tiểu học đến THPT, hạng III trở lên, lương trung bình thực nhận là 7,4-30 triệu đồng/tháng.
Riêng 44.000 giáo viên hạng IV (tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp), chưa được chuyển hạng theo các quy định mới, nhận lương từ khoảng 5,9 đến 17,5 triệu đồng/tháng (tăng 1,35-4 triệu đồng).
Một số địa phương còn có chính sách ưu đãi riêng, nổi bật là TP Hồ Chí Minh áp dụng hệ số lương tăng thêm 1,8 lần với công chức, viên chức, gồm cả giáo viên. Một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết nếu cộng cả khoản này, tiền lương cao nhất giáo viên có thể đạt được là 40 triệu đồng/tháng.
Các con số nói trên gồm lương cơ bản nhân hệ số, cộng các khoản phụ cấp.
Trong đó, ngạch giáo viên hiện gồm ba hạng theo mức giảm dần là I, II, III. Tương ứng từng hạng có 8-10 bậc lương (hệ số lương), thông thường mỗi ba năm công tác tăng một bậc.
Về phụ cấp, giáo viên nhận thêm một số khoản, tùy tính chất và địa bàn công tác, gồm: thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm thêm 1%), ưu đãi nghề (30-70%), phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, dạy người khuyết tật, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn...
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thầy Nguyễn Công (32 tuổi, Trường THCS huyện Hoài Đức, Hà Nội) là giáo viên hạng III, bậc 3, hưởng hệ số lương 3.0. Tính thêm 5% phụ cấp thâm niên và 30% phụ cấp ưu đãi, thầy nhận gần 9,5 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 1,5 triệu đồng. Vợ thầy là viên chức cũng được tăng tương tự, giúp gia đình chu toàn việc ăn học cho hai con.
"Mừng nhất là vẫn được tính phụ cấp thâm niên. Năm nay đủ 5 năm biên chế, tôi mới được nhận", thầy Công phấn khởi nói. "Trước đó, tôi nghe tin sau cải cách tiền lương, khoản phụ cấp này sẽ không còn".
Cô Đoàn Ngọc (27 tuổi, giáo viên tiểu học huyện Phù Ninh, Phú Thọ) lần đầu nhận thu nhập "đầu 6" dù vẫn là giáo viên hạng III, hệ số lương 2.34. Tiền lương mới sau khi trừ bảo hiểm khoảng 6,4 triệu đồng/tháng.
"Tuy còn thấp, tôi vui vì lương tăng", cô Ngọc cho hay.
Ở bậc mầm non, cô Hà Thu (30 tuổi, huyện Ninh Giang, Hải Dương) có 8 năm trong nghề, nhận khoảng 8,4 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm. Khoản này đã gồm phụ cấp thâm niên, ưu đãi và phụ cấp chức vụ tổ trưởng, tăng khoảng 1,5 triệu đồng. Theo cô, mức lương mới là "khoản kha khá" với giáo viên nông thôn, giúp cô yên tâm làm việc.
Hôm 11/10, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nói chính sách tiền lương mới đã góp phần cải thiện đời sống nhà giáo.
"Nhưng so với mong muốn và nhu cầu của nhà giáo thì vẫn còn khoảng cách", ông nhận định.
Theo GS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, lương giáo viên ở các quốc gia trên thế giới rất khác nhau. Mức này có thể thấp hơn GDP bình quân đầu người như ở Cộng hòa Slovakia, New Zealand...; xấp xỉ ở đa số quốc gia như Mỹ, Thụy Sĩ; hay cao hơn như Đức (khoảng 1,5 lần), Malaysia và Thái Lan (khoảng 1,2 lần).
Cá biệt, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, lương giáo viên gần gấp đôi GDP bình quân đầu người, theo báo cáo năm 2020 của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Cách tính của OECD là lấy tiền lương cao nhất của giáo viên trong một năm chia cho GDP bình quân đầu người. Ở thời điểm đó, hệ số này của Việt Nam là 1,5.
"Hiện chưa có số liệu tổng quan về tiền lương giáo viên so với các ngành, nghề khác nên không thể nói là cao hay thấp. Tuy nhiên, dữ liệu của OECD có thể là một căn cứ để xem xét tăng lương", ông đề xuất. Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần cân nhắc đến quỹ lương, có sự đối sánh với các nhóm, và quan trọng nhất là tính toán khối lượng công việc thực tế của giáo viên.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc tăng lương cơ sở "là điều đáng quý". Tuy nhiên, cần tính đến bài toán thu nhập tổng thể để giáo viên bảo đảm cuộc sống.
"Điều này chắc chắn cần thêm nhiều giải pháp, bên cạnh tăng lương cơ sở", ông nói.
Hiện, bảng lương chia giáo viên theo từng cấp học, hạng I, II, III. Ông Thanh đề xuất chỉ nên có một bảng lương chia theo nấc thang phát triển nghề nghiệp: mới tốt nghiệp, thành thạo, kỹ năng cao, chuyên gia. Trong đó, mức khởi điểm phải đủ tốt cho giáo viên ở mọi bậc học, ví dụ hệ số 3.0. Bước tăng cho ba lần tăng đầu tiên cần lớn hơn, sau có thể chậm lại, bởi nhóm khó khăn hầu hết là giáo viên trẻ.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, giáo viên mầm non, phổ thông mới vào nghề (hạng III, bậc 1) chỉ nhận 6,6 đến 7,4 triệu đồng một tháng, gồm phụ cấp. Mức này thấp hơn thu nhập trung bình của người lao động cả nước trong 6 tháng đầu năm nay (7,5 triệu đồng).
Theo ông Vũ Minh Đức, khoảng 61% thầy cô bỏ việc ở độ tuổi dưới 35 - nhóm giáo viên trẻ, thường gặp áp lực nuôi sống bản thân, gia đình và phải học lên để trau dồi chuyên môn.
Ngoài ra, theo cô Thu, giáo viên mầm non ở Hải Dương dù tiền lương tăng song cách tính lương chưa công bằng. Cô nói mình và đồng nghiệp phải nhận trẻ từ 6 giờ 30, vừa chăm vừa dạy. Không chỉ soạn giáo án, các cô giáo mầm non còn tự làm đồ chơi, những vật dụng trực quan để dạy học, cùng nhiều việc không tên. Dù thời gian trả trẻ là 16 giờ 30 nhưng hầu như 18-19 giờ mới được về nhà.
"Công việc của giáo viên mầm non được đánh giá đặc thù, vất vả. Vậy mà chúng tôi bị xếp một bảng lương riêng với các mức thấp hơn đồng nghiệp cùng hạng, ngạch ở cấp học khác", cô Thu nói.
Hiện hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non (yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng) là 2,1, trong khi giáo viên phổ thông (yêu cầu bằng đại học trở lên) là 2,34.
Dự thảo Luật Nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, sẽ được thảo luận tại phiên họp tới của Quốc hội - khai mạc ngày 21/10. Ban soạn thảo cho biết dự luật gồm 5 chính sách quan trọng: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, hạng giáo viên ở bậc phổ thông không còn chia theo I, II, II mà là giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.
Về chế độ đãi ngộ, dự thảo đề xuất chính sách tiền lương của nhà giáo gồm lương và phụ cấp, được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên mới được tuyển dụng được tăng một bậc lương so với bảng lương thông thường, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non thêm 10%, tiểu học thêm 5%. Tổng ngân sách chi tăng thêm cho hai nhóm này là 12.800 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên (cả con đẻ và con nuôi hợp pháp) từ mầm non đến đại học, dự chi ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm; bố trí nhà ở công vụ cho giáo viên công tác ở xa...
"Chúng tôi muốn đưa ra được những chính sách tốt hơn, ở mức phù hợp, để tiếp tục cải thiện đời sống nhà giáo, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề, thu hút được nhiều người giỏi vào nghề", ông Vũ Minh Đức nói.