Hình Ảnh Tâm Lý Học Đường

Hình Ảnh Tâm Lý Học Đường

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐGD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – chia sẻ, tại trường, thường có khoảng 63 - 89% số học sinh qua Văn phòng tư vấn khó khăn về học tập và về ý thức kỷ luật; 10 - 37% học sinh qua Văn phòng tư ván có khó khăn về vướng mắc trong quan hệ gia đình; một tỷ lệ nhỏ có các vấn đề về rối nhiễu giới tính và biểu hiện tâm thần.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐGD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – chia sẻ, tại trường, thường có khoảng 63 - 89% số học sinh qua Văn phòng tư vấn khó khăn về học tập và về ý thức kỷ luật; 10 - 37% học sinh qua Văn phòng tư ván có khó khăn về vướng mắc trong quan hệ gia đình; một tỷ lệ nhỏ có các vấn đề về rối nhiễu giới tính và biểu hiện tâm thần.

Ai có thể làm nhà tham vấn học đường?

Như đã nhìn thấy trong lịch sử phát triển của ngành, tham vấn học đường là một chuyên ngành và là một nghề nghiệp trong xã hội, do đó luôn có những yêu cầu và điều kiện nhất định để một người có thể tham gia hành nghề.

Trong bối cảnh Việt Nam, (chưa có một chương trình đào tạo chính thức và đầy đủ cho nghề tham vấn học đường, chưa có các tổ chức nghề nghiệp của những người làm tham vấn học đường và chưa có những chính sách cũng như tiêu chuẩn của quốc gia cho hoạt động tham vấn học đường), việc đặt ra tiêu chuẩn cho những người làm tham vấn học đường là một vấn đề hết sức khó khăn.

Những điều kiện dành cho người muốn làm tham vấn học đường có thể được trình bày như sau: o Với những giáo viên chuyên trách hoặc những người làm công tác Đoàn – Hội trong các trường học được “đặc cách” làm tham vấn học đường: Nhất thiết phải được đào tạo thêm về căn bản tâm lý học (tập trung sâu vào hai học phần Tâm lý học Phát triển và Tâm lý học Nhân cách), đào tạo về kỹ năng tham vấn và những yêu cầu cho việc làm tham vấn học đường. Việc đào tạo có thể được triển khai với sự phối hợp của Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương và Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục hoặc các trường Đại học có đào tạo về tâm lý học.

o Với những người đã tốt nghiệp ngành tâm lý học: Phải được đào tạo nhằm bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng và những yêu cầu khác cho việc làm tham vấn tâm lý học đường. Nơi đào tạo cũng là những đơn vị được đề cập trong gợi ý trên.

o Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tất cả những ai làm tham vấn học đường đều phải được đào tạo và hướng dẫn để tuân giữ những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức được quy định cho những nhà tham vấn tâm lý và tham vấn tâm lý học đường.

Các cơ quan liên quan thuộc chính phủ phải quan tâm và trực tiếp hoặc giao cho một đơn vị có khả năng nghiên cứu và giới thiệu các tiêu chuẩn và hướng dẫn cần thiết cho việc triển khai các chương trình tham vấn học đường. Phải đảm bảo người làm tham vấn học đường được xem là một nghề và có quy chế về việc hưởng lương của trường học, đồng thời chịu trách nhiệm về chuyên môn với một tổ chức nghề nghiệp.

Các trường học nghiên cứu để đưa chương trình tham vấn học đường chính thức vào trong những hoạt động của nhà trường, quy định về sự phối hợp và những vấnđề liên quan giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh với nhà tham vấn. Đồng thời cũng triển khai các hoạt động nhằm giới thiệu tính cần thiết và giá trị của tham vấn học đường đến học sinh, phụ huynh và giáo viên, để khi học sinh gặp những vấn đề khó khăn, nhà tham vấn học đường có thể tiếp cận được nhanh nhất và qua đó có thể hỗ trợ kịp thời.

Các trường Đại học, Viện khoa học… nghiên cứu và soạn thảo chương trình đào tạo tham vấn học đường, ngắn hạn và dài hạn, trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường Đại học trên thế giới để đảm bảo có được một chương trình chất lượng, chuyên nghiệp và đầy đủ.

Sau cùng, những người đang hoặc muốn làm nhà tham vấn học đường, cần ý thức rõ ràng nhiệm vụ và giá trị của nghề nghiệp nhằm tạo động lực cho chính bản thân trong việc tìm kiếm thông tin, tự đào tạo và sẵn sàng tham gia các hoạt động mang tính chất phát triển nghề nghiệp.

Nguồn: https://thamvantamly.wordpress.com/2008/07/15/tham_van_tam_ly_hoc_duong_1/

Nhà tham vấn học đường làm gì?

Tham vấn tâm lý là hoạt động tương tác giữa nhà tham vấn và thân chủ (và cả gia đình) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ thân chủ giải quyết những khó khăn trong nhận thức, cảm xúc và hành vi và qua đó, phát triển nhân cách, định hướng nghề nghiệp, cách sống lành mạnh và những vấn đề khác thuộc về các rối loạn cảm xúc và nhân cách. Đối tượng của tham vấn tâm lý thường là những người “bình thường” đang gặp phải những khó khăn trong đời sống cá nhân, sự phát triển nhân cách và các mối quan hệ. Tham vấn tâm lý cũng được xem là một mức độ của hoạt động trị liệu tâm lý, đôi khi ranh giới giữa tham vấn và trị liệu là khó xác định được một cách rõ ràng.

Trong môi trường học đường, những nhà tham vấn học đường sử dụng những kiến thức tâm lý học và các kỹ năng tham vấn nhằm giúp trường học giải quyết những vấn đề sau: o Hỗ trợ học sinh, sinh viên giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ liên nhân cách và những rối loạn cảm xúc và nhân cách.

o Hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực, phát hiện những khó khăn của con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục.

o Hỗ trợ giáo viên và những thành viên khác trong nhà trường trong việc giao tiếp và tiếp cận với học sinh, kịp thời phát hiện những nhu cầu và những vấn đề cần sự can thiệp của nhà tham vấn.

o Hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, cách thức tổ chức các hoạt động nhằm phát triển và ngăn ngừa các hành vi nguy cơ trong trường học của học sinh.

o Phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ và can thiệp trong trường hợp học sinh có những vấn đề liên quan đến những hoạt động bên ngoài như các vấn đề pháp luật, các vấn đề về bệnh tâm lý… Lưu giữ hồ sơ những học sinh có những vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong những trường hợp cần thiết sau này.

THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG, LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN Ngô Minh Uy

Tham vấn tâm lý học đường (School Counseling) hay còn gọi là tham vấn học đường là một nhánh của ngành tham vấn tâm lý được xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ. Jesse B. Davis có thể được xem là một trong những người đầu tiên trong lĩnh vực này khi giới thiệu một chương trình “Những hướng dẫn về nghề nghiệp và đạo đức” (Vocational and Moral Guidance) cho học sinh các trường học công. Frank Parsons, được xem như cha đẻ của nghề Hướng dẫn (còn gọi Khải đạo), đã viết cuốn sách “Chọn lựa một nghề ” (Choosing a Vocation) vào năm 1909 qua đó trình bày phương pháp kết nối những đặc điểm tính cách của một cá nhân với một nghề nghiệp. Jesse Davis, Frank Parsons, Eli Weaver và nhiều người khác nữa đã tạo thành một trào lưu thúc đẩy cho sự phát triển của ngành tham vấn học đường.

Thế chiến thứ nhất, xuất hiện nhu cầu đánh giá (trắc nghiệm) các cá nhân, từ lúc này thuật ngữ nhà tham vấn (counselor), thường được đề cập như là những chuyên gia làm việc với những người trầm cảm, đã bắt đầu trở thành một phần trong từ điển của các nhà giáo dục.

Thế chiến thứ hai kết thúc với những hậu quả nặng nề làm nảy sinh một nhu cầu rất lớn về các trắc nghiệm tâm lý và nó đã tác động một cách trực tiếp đến hoạt động khải đạo trong trường học. Cũng vào thời gian thế chiến thứ hai này, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra yêu cầu cho các nhà tham vấn làm công việc sàng lọc, tuyển chọn các quân nhân và những chuyên gia cho các ngành công nghiệp. Những năm 1930, lý thuyết đầu tiên về Khải đạo được giới thiệu: Lý thuyết về các nhân tố và đặc điểm của E. G. Williamson, (E. G. Williamson’s Trait and Factor theory). Lý thuyết này trở nên nổi tiếng như là một sự chỉ đạo cho hoạt động tham vấn.

Năm 1940, đạo luật George Barden (George Barden Act) – đạo luật về giáo dục hướng nghiệp – ra đời đã mang lại những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển và hỗ trợ hoạt động khải đạo và tham vấn trong môi trường học đường cũng như những môi trường khác. Đây là lần đầu tiên những nhà tham vấn học đường, những kiểm huấn viên địa phương và các tiểu ban nhận được những sự hỗ trợ chính thức từ chính phủ (sự điều hành, tài chính và nguồn nhân lực…)

Năm 1957, năm mà vệ tinh Sputnik của Nga được phóng vào quỹ đạo cũng là thời điểm mà ngành tham vấn và khải đạo được “phóng lên”. Tiếp theo đó, đạo luật Nat’l Defense Ed. Act (NDEA) ra đời năm 1958. Có thể tham khảo đạo luật này tại đây. Đạo luật NDEA tập trung vào hai vấn đề: 1). Cung cấp những nguồn lực để các bang thiết lập và duy trì các hoạt động tham vấn, trắc nghiệm và khải đạo trong trường học; 2). Ủy quyền và cho phép các trường cao đẳng và đại học thiết kế các chương trình đào tạo tham vấn học đường

Năm 1953, hiệp hội các nhà tham vấn tâm lý học đường Hoa Kỳ (ASCA) tham gia vào APGA (American Personnel and Guidance Association), tiền thân của hiệp hội tham vấn tâm lý Hoa Kỳ ACA (American Counseling Association) ngày nay. Năm 1962, cuốn sách của Wrenn, Nhà tham vấn trong một thế giới thay đổi (The Counselor in a Changing World) đã định chế hóa các mục tiêu của tham vấn học đường. Năm 1964, ASCA phát triển các vai trò và chức năng dành cho các nhà tham vấn học đường

Năm 1965, đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học (Elementary and Secondary Education Act) ra đời và cung cấp nguồn quỹ để phát triển những cơ hội giáo dục cho những gia đình nghèo. Đến những năm 80s và 90s, nhu cầu về việc làm rõ những đặc tính và vai trò của nhà tham vấn học đường được xuất hiện với sự “chín muồi” của những vấn đề pháp lý liên quan.

Năm 1997, Tiêu chuẩn quốc gia dành cho các chương trình tham vấn học đường (National Standards for School Counseling Programs) ra đời và kể từ đó, ngành tham vấn học đường được xem là đã hoàn thiện.

Hiện nay, hiệp hội các nhà tham vấn học đường Hoa Kỳ (ASCA) được xem là nguồn tham khảo và kiểu mẫu cho các chương trình tham vấn tâm lý học đường của hầu hết các nước trên thế giới. ASCA hiện tại có hơn 23.000 hội viên trên toàn thế giới và là một phân hội của ACA với hơn 60.000 hội viên trên toàn thế giới.

Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, chương trình khải đạo học đường đã được triển khai trong các trường học. Sau ngày thống nhất đất nước, với sự thay đổi gần như hoàn toàn cách thức tiếp cận của giáo dục, chương trình khải đạo đã không còn tồn tại trong các trường học với đúng nghĩa của nó.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện hàng loạt những vấn đề liên quan đến đạo đức, kỷ luật trường học, học sinh tự tử, áp lực thi cử, những rối loạn tâm lý, quan hệ thầy trò… của các trường học Việt Nam, những nhà giáo dục, tâm lý và cùng những tổ chức và các cơ quan hữu trách đã “giật mình” và bắt đầu đề cập đến việc phải có các hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học.

Từ khoảng năm 2000, nhiều trường học tại Tp. HCM như trường Khánh Hội A – quận 4, Nguyễn Gia Thiều – quận Tân Bình, Diên Hồng – quận 10, Trương Công Định, Phú Mỹ – quận Bình Thạnh, Mạc Đỉnh Chi – quận 6 và rất nhiều trường khác nữa… đã chủ động phối hợp với các chuyên viên tâm lý và các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các chương trình tham vấn học đường cho học sinh.

Năm 2003, hội thảo “Nhu cầu tư vấn học đường tại Tp. HCM” được Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường ĐHSP Tp. HCM tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà tâm lý, giáo dục và hiệu trưởng các trường có hoạt động tham vấn học đường để “mổ xẻ” và kêu gọi sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như các cơ quan chính phủ trong việc có các chiến lược nhằm phát triển hoạt động tham vấn học đường tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, một vài sinh viên khoa Tâm lý – Giáo dục trường ĐHSP TP. HCM đã chọn đề tài cho luận văn tốt nghiệp của mình về vấn đề tham vấn học đường. Những “sự kiện” này được xem là những bước khởi đầu cho nhiều sự thay đổi tiếp theo của ngành tham vấn học đường tại Việt Nam.

Năm 2004, Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tâm lý (CACP) thuộc trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội được thành lập và cũng đề cập đến hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động tham vấn học đường.

Năm 2005, với sự chấp thuận của Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em TP. HCM và sự hỗ trợ của UNICEF, Văn phòng tư vấn trẻ em Tp. HCM đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm bước đầu thực hiện mô hình tham vấn trong trường học” cũng nhận được sự quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm thực tế của nhiều chuyên gia và những nhà lãnh đạo các trường học. Đầu năm 2006, hội nghị toàn quốc về “Tư vấn tâm lý – giáo dục – thực tiễn và định hướng phát triển” do Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp. HCM tổ chức cũng đề cập đến vấn đề tham vấn học đường như là một điều “khẩn thiết” nhằm hỗ trợ học sinh và nhà trường trong hoạt động giáo dục. Sở Giáo dục – Đào tạo Tp. HCM cũng tổ chức những buổi sinh hoạt đề cập đến hoạt động tư vấn học đường trong thời gian này với sự tham gia của các nhà tâm lý, giáo dục, nhà trường và phụ huynh học sinh

Trong khoảng thời gian này, một văn bản của Bộ Giáo dục đã được ban hành nhằm chỉ đạo và hướng dẫn các Sở và trường học cùng những tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện chương trình tham vấn học đường.

Ngoài ra, chuyên mục tham vấn học đường do báo Phụ nữ Tp. HCM khởi xướng (ThS. Nguyễn Thị Oanh phụ trách) cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo học sinh, phụ huynh và các trường học. Tháng 06 năm 2006, cuốn sách “Tư vấn tâm lý học đường” của tác giả Nguyễn Thị Oanh đã được nhà xuất bản Trẻ phát hành trên toàn quốc.

Đến nay, vấn đề tham vấn học đường tại Việt Nam đã trở thành một đề tài nóng bỏng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các em học sinh, phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý – giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, diện mạo của một ngành nghề chuyên nghiệp vẫn chưa thật sự được định hình.